?
19/04/2022
Trong những năm qua, từ nguồn quỹ Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam (Quỹ da cam), Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) Thừa Thiên Huế đã xây dựng được nhiều mô hình hoạt động nhằm giúp đỡ phần nào cho các hộ dân có đối tượng nghi nhiễm chất độc da cam, người khuyết tật nghèo có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Tỉnh Thừa Thiên Huế. Song song việc tặng quà trong các dịp lễ, Tết, ngày Nạn nhân chất độc da cam, Hội CTĐ còn xây dựng những kế hoạch nhằm mục đích giúp các hộ dân xây dựng và phát triển kinh tế lâu dài, từng bước ổn định để tự chủ, nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình, tự tin hòa nhập với cộng đồng, xã hội.
Trong đó phải kể đến chương trình mượn vốn từ nguồn quỹ da cam để phát triển sinh kế. Là mô hình vay vốn không tính lãi từ nguồn quỹ vận động của Tỉnh hội, các hộ hưởng lợi phải đạt những tiêu chí do Tỉnh hội đưa ra nhằm phát triển hiệu quả nguồn vốn được vay. Chương trình được thực hiện đợt 1 từ năm 2016 -2018 tại các huyện Phong Điền, Phú Vang, Phú Lộc, Quảng Điền, A Lưới, Nam Đông, Thị xã Hương Trà, Hương Thủy và Thành phố Huế. Sau 5 năm thực hiện đã có tổng 125 hộ được hỗ trợ với tổng số vốn lưu động mượn là 625 triệu đồng. Mỗi gia đình được vay vốn không lãi suất trong 3 năm để phát triển sản xuất. Hiện tại đa số các hộ vay vốn đều vượt qua khó khăn cơ bản, ổn định được cuộc sống và hoàn vốn đúng hạn. Một số hộ chưa có kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi, dịch bệnh kéo dài, thời tiết diến biến bất thưởng ảnh hưởng nặng đến nguồn sinh kế nên chưa thể hoàn vốn.
Hội CTĐ tỉnh đến thăm hộ gia đình Nguyễn Thị Luận, thị Trấn Phú Lộc
được nhận hỗ trợ từ nguồn vốn da cam để phát triển sinh kế
Chương trình mượn vốn không lãi, bước đầu mang lại kết quả lớn, thu hồi đợt 1 đã có hơn 50 hộ hoàn vốn, có cơ sở để địa phương tiếp tục cho mượn lần 2, lần 3, giúp đỡ nhiều hộ khác phát triển sinh kế.
Hộ Nguyễn Thị Lu, tổ DP 1, phường Hương Long, tp Huế
phát triển trang trại Gà và Dúi từ nguồn vốn Quỹ Da cam được hỗ trợ
Qua kiểm tra thăm hỏi trực tiếp, sau thời gian chủ động phát triển, đã có 12 hộ cơ bản thoát nghèo, một số hộ dân có những ý tưởng xây dựng kinh tế táo bạo như gia đình chị Nguyễn Thị Lu, tổ DP 1, phường Hương Long đã mạnh dạn nuôi dúi, một loại động vật khá kén lạnh, bên cạnh đó gia đình còn thêm mô hình chăn nuôi gà thả vườn. Chị Lú phấn khởi chia sẻ: “Do hoàn cảnh khó khăn gia đình tôi không có điều kiện về vốn đầu tư chăn nuôi. Nhờ chương trình vay vốn không lãi của Hội chữ thập đỏ tỉnh nhà mà tôi có cơ hội chăn nuôi, phát triển kinh tế để thoát nghèo” Hiện chị Lu có 14 con dúi, trong đó có 2 con bố mẹ trị giá 2,4 triệu đồng. Nhiều hộ dân tham gia nuôi trồng nông sản theo truyền thống vừa đảm bảo an toàn nguồn vốn mà mang lại hiệu quả kinh tế. Hộ Trần Thị Liên, Tổ dân phố 1 trồng đậu, cà, ớt; hộ chị Nguyễn Thị Luận chăn nuôi gà; các hộ khác ở A Lưới, Phú Vang,... chăn nuôi heo, gà, dê, cá đều phát triển tốt. Ông Pơ Loong Phương - Chủ tịch huyện A Lưới cho biết: “Từ khi biết đến chương trình mượn vốn này, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện để những hộ mượn tiếp cận và sử dụng vốn hiệu quả, tư vấn và hỗ trợ dân trong việc lựa chọn giống để chăn nuôi và sản suất, phần nào cải thiện cuộc sống”.
Với sự hỗ trợ thiết thực, kịp thời của Hội CTĐ từ tỉnh đến cơ sở và sự chịu khó, dám nghĩ dám làm của các hộ gia đình khó khăn thì việc cấp vốn này đã giúp cho họ vươn lên trong cuộc sống.
Thanh Hữu - Hội